Follow Us @soratemplates

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

Chuyện về xứ Nẫu hiền lành chất phác

Nhắc về mảnh đất Phú Yên ai cũng nghĩ về xứ Nẫu, Hoa Anh tiểu quốc hay miền đất hoang vắng Nam Trung Bộ. Từ trong câu ca dao, tục ngữ, nếp sống văn hóa đúc kết từ bao đời nay đã biến Phú Yên thành xứ Nẫu ấn tượng trong mắt kẻ lữ hành.


Biển Xuân Hải, Sông Cầu

Chuyện về chữ Nẫu nghe nói dài lắm. Xuất phát từ thời vua Lê, chúa Nguyễn, lúc các đơn vị hành chính được gọi là phường nậu, man. Lâu dần, chữ nậu được tỉnh lược thành đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi, nậu thành nẩu, bởi phương ngữ rồi lại trở thành nẫu.

Lịch sử là vậy nhưng người đến Phú Yên bây giờ, mấy ai để ý xem vì sao lại là "xứ Nẫu" đâu. Chỉ nghe dân Phú Yên vẫn nói mấy câu như "nẫu", "dẫy ngheng" (vậy nghen), "dẫy á" (vậy đó), "dẫy na" (vậy à), "chu cha" (kiểu như "trời ơi"),....


Ban đầu thật khó nghe, nhất là với dân từ miền Bắc vào Phú Yên. Nhưng nghe "dẫy ngheng", "dẫy na", "dẫy á",... vài lần lại có thể nhớ mãi, như ngấm vào máu thịt, không quên được bởi "nẫu", "dẫy ngheng", "dẫy á",... có quá nhiều ngữ nghĩa, sắc thái, tâm tư tình cảm. Nghe dễ thương đến lạ! Giống y như con người Phú Yên vậy. Chẳng hiểu sao nghe những câu ấy, lời ấy, cứ tin rằng họ chân thật và hiền lành vô cùng. 

Về đất và người Phú Yên, có rất nhiều chuyện để kể. Từ Lương Văn Chánh, một vị võ quan nhà Lê, là người có công với sự nghiệp chiêu tập lưu dân khai khẩn, mở mang và phát triển vùng đất Phú Yên, đến Lê Thành Phương - danh nhân lịch sử hàng đầu tỉnh Phú Yên. 

Chuyện kể rằng năm 1597, ông Lương Văn Chánh lúc ấy là tri huyện Tuy Viễn, Trấn An Biên, nhận sắc lệnh của Chúa Nguyễn Hoàng đưa chừng 4000 lưu dân vào khai khẩn vùng đất phía nam của Đại Việt từ đèo Cù Mông đến đèo Cả (đây chính là địa bàn tỉnh Phú Yên hiện nay).


Ông đã cùng lưu dân từng bước khẩn hoang, lập ấp, từng bước tạo nên những làng mạc đầu tiên trên châu thổ Sông Đà Diễn, Sông Cái. Cho đến hôm nay dân Phú Yên vẫn lập đền thờ Lương Văn Chánh - người được xem là thành hoàng của cả tỉnh. Mồ mả, đền thờ của ông vẫn còn và không ngớt khói hương, dù bị nắng mưa bào mòn,...

Trong khi đó, năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Lê Thành Phương đã đứng lên chiêu tập nghĩa quân Phú Yên dựng cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc khởi nghĩa do Lê Thành Phương tổ chức và lãnh đạo ở Phú Yên là một bộ phận quan trọng của phong trào Cần Vương toàn quốc, có ảnh hưởng mạnh mẽ và tích cực đến phong trào Cần Vương ở các tỉnh Nam Trung Bộ. 

Cuộc khởi nghĩa của Lê Thành Phương là trang sử vẻ vang trong quá trình đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc vô cùng anh dũng, hào hùng của nhân dân Phú Yên và mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Phú Yên.

Người Phú Yên cũng không thể quên huyền thoại về Võ Trứ và Trần Cao Vân, những nghĩa sĩ yêu nước đã dựng cờ khởi nghĩa vì dân, vì nước. Rồi danh nhân Đào Tấn Tú, một nhà Nho học - người đã ghi dấu ấn sâu sắc và có ảnh hưởng đến vùng đất phía nam Phú Yên trong việc khơi dậy phong trào học tập, để lại tiếng thơm về tấm gương hiếu học và là một vị quan thanh liêm, mẫn cán,..

Sau này người dân Phú Yên cũng vẫn trân trọng nhắc về ông Đào Tấn Ngoạn, một người Đảng viên kiên trung suốt đời vì nước, vì dân. Từ miền Duyên hải đến núi rừng Trường Sơn, đâu đâu cũng có dấu chân Đào Tấn Ngoạn - Kôn Meo - Ama Lộc. Dù năm tháng đi qua, cây rừng đã phủ lên dấu chân của ông, nhưng Đào Tấn Ngoạn vẫn luôn là một tấm gương sáng về lòng trung thành với dân, với Đảng, là niềm tự hào để các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục học tập, noi theo.


Mảnh đất xứ Nẫu. Ảnh: vaybutchi

Khó có thể kể hết về những người con ưu tú của đất Phú Yên. Bởi trong hành trình dựng xây và phát triển của Phú Yên, hàng ngàn, hàng vạn người con Phú Yên, từ các vị lãnh đạo đến nhân dân toàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực để đóng góp công sức nhỏ nhoi của mình cho sự phát triển của mảnh đất quê hương. Chỉ biết rằng, ngay từ sử sách xưa (sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn), đã ghi người dân Phú Yên chất phác, thuần hậu, cần cù siêng năng vô cùng.

Bây giờ vẫn thế, nghe người Phú Yên mấy câu "dẫy á", dẫy ngheng" vẫn thấy vẹn nguyên vẻ chất phác, thuần hậu ấy. Lại nghe kể, trong những lúc trà dư tửu hậu, nhiều người xứ Nẫu vẫn đem câu " Yêu không yêu thì thâu, nói dứt phác" (Yêu không yêu thì thôi nói dứt khoát) ra để tếu táo nhau rồi tự trào rằng người xứ Nẫu mình có một câu nói hay đáo để. 

Thật dễ thương làm sao! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét